Xin trích dẫn bài của cô Tâm Trụ.
Sáng ngày 08/05/2016(nhằm ngày 02/04/ năm Bính Thân), đáp lời mời của BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa và Hội người cao tuổi Tp. Thanh Hóa, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang – Núi Dinh – BRVT đã chia sẻ pháp thoại về đề tài: “ĐẠO ĐỨC TRONG ĂN UỐNG”, tại Hội trường Khách sạn Mường Thanh – khu Đô thị mới Nam thành phố – Phường Đông Vệ – Tp. Thanh Hóa, với sự tham dự hơn 1500 phật tử các huyện, thị, thành phố Thanh Hoá và các tỉnh miền Bắc.
Buổi Pháp thoại có sự chứng minh và tham dự của: ĐĐ Thích Tâm Đức – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; ĐĐ Thích Tánh Khả – Trưởng Ban văn hóa GHPGVN tỉnh Thanh Hóa – Trưởng BTS GHPGVN huyện Triệu Sơn; cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyên Xuân Phi – Tỉnh ủy viên – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp. Thanh Hóa; ông Lê Thế Đạo – Chủ tịch Hội người cao tuổi Tp. Thanh Hóa; cùng đại diện các Ban ngành Tp. Thanh Hóa; Hội viên người cao tuổi trên địa bàn Thành phố và các huyện lân cận. Ngoài ra, còn có các Doanh nhân, cùng đông đảo phật tử trong tỉnh Thanh Hóa, và gần 500 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá, Nam Định, Nghệ An đồng tham dự.
Sau lời giới thiệu, Thượng toạ điểm qua sự thay da đổi thịt từng ngày của cả nước nói chung và thành phố Thanh Hoá nói riêng mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điều này khiến nhân dân ta càng ngày yêu mến, càng tin tưởng vào những lớp Cán bộ mới – là những người dám cải cách, dám xông pha, dám dấn thân – để đưa đất nước ta vượt lên hẳn một tầm cao. Cũng vậy, với sự quan tâm của Lãnh đạo thành phố Thanh Hóa, nhiều vấn đề trong cuộc sống nhân sinh được nêu ra, được quan tâm, trong đó có vấn đề ăn uống. Đó là lý do mà Giáo hội và Hội người cao tuổi đã thỉnh mời TT Thích Chân Quang có buổi nói chuyện với đại chúng về vấn đề xã hội đang bức xúc hiện nay là làm sao để biết cách bảo vệ sức khỏe của chính mình trước hiện trạng thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người ngày càng phổ biến.
Mở đầu buổi nói chuyện, Thượng tọa giải thích tựa đề “Đạo đức trong ăn uống”. Ăn uống cũng có đạo đức là sao?
Từ xưa ông bà ta đã rất tinh tế trong vấn đề ăn uống nên mới có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Thực tế, nhìn vào cách ăn uống ta biết chúng sinh thuộc mức độ đẳng cấp nào.
Thú vật khi có miếng ăn thì lao vào giành giật, dù trước đó chúng còn chơi đùa với nhau. Con người khi ăn phải bày dọn, mời mọc, nhường nhịn nhau. Những người sang trọng có bữa ăn càng lúc càng kiểu cách. Người xuất gia thì học tập cách ăn của bậc Thánh. Khi ăn không nói chuyện, ăn trong điềm đạm, có tụng niệm, có lòng biết ơn, có ý thức rõ từng miếng ăn của mình. Ý thức nghĩa là xét xem đạo đức, công đức trong ngày của mình đã xứng đáng được bưng bát cơm lên dùng chưa. Đối với người tu, ân nghĩa trong một bát cơm rất nặng.
Bây giờ chúng ta đặt vấn đề: ĂN ĐỂ LÀM GÌ?
– Lý do đầu tiên là ăn để đỡ đói, hay ăn để sống. Đây là câu trả lời căn bản, thực tế, nhưng cũng đầy cay đắng và tầm thường nhất. Tầm thường vì giấu trong đó là bản năng của con người. Và rất cay đắng, bởi chính vì ăn để đỡ đói nên khi rơi vào những hoàn cảnh khắc nghiệt, người ta đã đánh giết nhau chỉ để đoạt miếng ăn.
– Lý do thứ hai là ăn cho khỏe. Câu trả lời này thể hiện sự khôn ngoan của loài người. Nhìn món ăn họ nghĩ đến dược tính của nó, vì thức ăn cũng là bài thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Đồng thời, ăn để có sức khỏe, sau đó mới mưu cầu những điều tốt đẹp khác trong cuộc đời mình.
– Còn ăn cho ngon, cho đẹp, cho sang, cho vui…những câu trả lời tiếp theo này thể hiện đẳng cấp cao dần của con người. Trong đó, việc “ăn cho sang” đòi hỏi sự bày biện, khung cảnh, các phép tắc lễ nghi… xứng với đẳng cấp của con người; “ăn cho vui”, tức là rủ nhiều người cùng ăn, cũng là một đạo đức trong ăn uống; “ăn cho ngon” thể hiện khuynh hướng hưởng thụ của loài người.
Có hai khuynh hướng hưởng thụ, đó là: Thanh cao hay ô nhiễm. Trước vị ngon của món ăn, nhiều người thấy thích thú, nhưng tâm họ thì nặng nề, chìm đắm và tham lam, tức là tham ăn. Ngược lại, có người từ cái ngon mà đi tìm sự tinh tế ở trong vị giác thì người này có cái phong cách bậc cao của người có trí tuệ. Chẳng hạn, từ những món ăn giản dị trong cuộc sống hàng ngày, nhưng dưới bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, ta gửi vào đó cả tấm lòng và thể hiện được sự tinh tế trong tâm hồn khiến món ăn trở nên đặc biệt hơn.
Trong phạm vi đề tài này, Thượng toạ nhấn mạnh câu trả lời thứ hai: “Ăn cho khỏe”. Nhưng khỏe để làm gì? Câu trả lời của mỗi người sẽ nói lên bản chất, tâm hồn, nhân quả, tội phước và nhận biết tương lai người này đi về đâu.
Ta sợ nhất là câu trả lời: “Khỏe để hưởng thụ”. Ai cũng âm thầm tồn tại bản năng hưởng thụ tự nhiên. Nhưng trong lĩnh vực đạo đức, đó là điều rất nguy hiểm, đặc biệt với người tu. Chính vì thèm muốn hưởng thụ mà con người đã gây bao đau khổ cho nhau, bao nhiêu nước mắt đã rơi. Vì thế dù ta rèn luyện, ăn uống để có sức khỏe, nhưng đồng thời cũng tìm cách diệt đi ý niệm bí mật chôn sâu trong lòng “Khỏe để hưởng thụ”, do tất cả mọi người đều bí mật tồn tại điều này trong tâm mình.
Khi được Thượng toạ hỏi Khỏe để làm gì thì có 4 câu trả lời của 4 nhân vật tiêu biểu: Bà cụ thì nghĩ tới gia đình và xã hội. Còn cụ ông thì nghĩ tới chính nghĩa. Một vị Lãnh đạo thì xem sức khỏe của người dân là một tài sản quý để dựng xây, bảo vệ tổ quốc. Và một bậc chân tu thì dùng sức khỏe để tu tập, phụng sự. Đó là những câu trả lời đẹp nhất, chống lại khuynh hướng hưởng thụ trong lòng mình.
Hưởng thụ là một bản năng tự nhiên của con người và luật pháp bảo vệ điều này. Trong Hiến pháp có nói “Người dân được quyền sống để mưu cầu hạnh phúc”. Mà mưu cầu hạnh phúc tức là hưởng thụ. Cho nên, hưởng thụ là quyền tự do, nhưng trong đạo đức nó chính là điều nguy hiểm, nhất là đối với một tu sĩ.
Chính vì hưởng thụ mà trên đời này không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi. Và người tu là tấm gương vượt qua sự hưởng thụ, mặc dù từ cái phước của họ cho họ được quyền hưởng thụ, nhưng lý tưởng tu hành buộc họ phải khước từ điều này. Tương tự, một nhà Lãnh đạo đối với nhân dân, biết rằng hưởng thụ là quyền của nhân dân, nhưng nếu nhân dân hưởng thụ thì đất nước tiêu tan liền. Nên đây là một bài toán khó cho những người Lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, Thượng toạ nhấn mạnh điều này để ta thấy rằng: Đạo đức trong việc giữ gìn sức khỏe có liên quan đến đạo đức trong ăn uống.
Chúng ta thấy, ăn uống là vấn đề thuộc về đạo đức. Không phải ăn để đỡ đói, để không chết, để ăn cho vui nữa mà giấu phía sau sự ăn uống là phong cách, đẳng cấp, là nhân cách của con người. Ta phải chọn cho mình một đẳng cấp để hướng tới. Một là ăn uống vô độ, tham lam hưởng thụ để rồi đọa xuống làm những loài thấp hơn. Hai là ta cứ ăn một cách tự nhiên để trở lại làm con người tầm thường. Ba là chúng ta có đạo đức trong ăn uống để hoàn thiện mình, hướng về vị trí của một bậc Thánh.
Nói về thực phẩm bẩn thì đây là một kẻ giặc đánh vào cái ngõ mà mấy nghìn năm qua ta không bao giờ đối diện, không bao giờ ngờ đến. Bao nhiêu nghị quyết, biện pháp, tâm huyết, trí tuệ, năng lực, chúng ta đã dựng xây dân tộc này có thể bị đánh sập chỉ bởi tên giặc luồn vào ngõ thức ăn. Do thức ăn, ai cũng bị ung thư, vô sinh thì tự nhiên ta sẽ mất nước dễ dàng. Hoặc bao nhiêu tiền ngân sách của nhà nước đáng lẽ dùng để tái đầu tư thì lại dùng rất nhiều để chữa bệnh cho người dân thì đất nước cũng bị suy yếu ngay.
Như vậy, thực phẩm bẩn rõ ràng là một cuộc xâm lăng mới – cuộc xâm lăng mà tất cả chúng ta vui vẻ đón nhận, vì ai cũng thích ăn ngon, thích ăn những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt. Có người suốt đời chạy theo miếng ăn, sống chết vì miếng ăn. Hôm nay, chúng ta nêu vấn đề ăn uống ra để thấy rằng ta đang bước vào một trận chiến mà chính mình là người tiếp tay cho giặc, rõ ràng như vậy. Sự thèm ăn, thích ăn ngon của ta đang rước giặc vào.
Khi nói về miếng ăn, hãy hiểu rằng món ăn không còn để ta sống, để khỏe, để vui, để sang nữa mà món ăn giúp ta bảo vệ đất nước. Ta không hề cường điệu, bởi thật sự ta đang đối diện với một mặt trận, một chiến lược mới của giặc, hiểm độc hơn, êm ái hơn mà ta không ngờ. Cho nên, khi bưng bát cơm lên, hãy thấy cả đất nước mình, cả dòng giống dân tộc, tương lai của mình, của dân tộc nằm trong đó. Vì vậy ta đặt vấn đề ăn uống là một đạo đức, nấu ăn là đạo đức, cung cấp thực phẩm sạch cũng là đạo đức.
Nếu trước đây do thích ăn ngon mà ta dẫn giặc vào nhà thì bây giờ ta phải hiểu cửa ngõ này cần đóng lại, phải xét lại, phải duyệt lại. Chúng ta cần ý thức rằng:
– Thứ nhất, nơi NGƯỜI ĂN không được dễ dãi trong món ăn nữa. Ta chỉ chọn lựa thực phẩm sạch cho gia đình, cho đồng đội, cơ quan… Và truyền cho nhau kinh nghiệm lựa chọn thức ăn. Hễ phát hiện thực phẩm bẩn, nhiễm chất cấm, hãy lập tức thông báo cho cơ quan chức năng, tìm cách phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Vì đây là một trận giặc không phải chỉ một vài tên lẩn lút mà đều khắp cả xã hội ta. Nên cái đạo đức ăn uống này, cái chống lại thực phẩm bẩn để bảo vệ giống nòi, bảo vệ dân tộc này bắt đầu từ người ăn. Hơn bao giờ hết, giờ đây đối với việc ăn uống chúng ta cần phải cảnh giác cao, hãy tỉnh táo, khôn ngoan, biết chọn lựa và khước từ để chung tay ngăn chặn mối lo ngại về thực phẩm bẩn đang là quốc nạn.
Tuy nhiên, phương pháp phân biệt giữa thực phẩm bẩn hay sạch không thuộc phạm vi bài nói chuyện này. Thượng toạ đề nghị Chính quyền nên mời các vị chuyên gia về tuyên truyền cho người dân, nhưng hãy diễn đạt một cách dễ hiểu, đừng nói quá sâu về chuyên môn.
– Thứ hai là đạo đức của NGƯỜI NẤU ĂN. Việc gắng nấu ăn cho ngon có nhiều mục đích. Người nội trợ chỉ đơn thuần đi tìm sự hài lòng, tiếng khen từ người thân. Hoặc những người kinh doanh vì tìm đồng lời nên cố gắng nấu làm sao cho ngon, khéo léo để thu hút thực khách đến mãi. Thực chất chỉ vì tiếng khen, chỉ vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng dùng chất cấm trong thực phẩm, không ngờ vô hình chung họ biến thành tên giặc “rước voi về giày mã tổ”. Vì thế, đi vào đạo đức ăn uống rồi ta mới phát hiện ra “kẻ thù lớn nhất là chính ta”. Chính việc tham ăn ngon, tham tiếng khen, tham đồng lời mà ta đã tiếp tay cho giặc.
Thứ ba là trách nhiệm của người CUNG CẤP THỰC PHẨM từ việc trồng trọt, chăn nuôi, chế biến. Quá nhiều người trong số họ đã thành “giặc”. Người trồng rau dành riêng một luống “sạch”, tức không phun thuốc trừ sâu để dành cho gia đình ăn, còn phần độc hại thì đem bán. Người bán thịt cũng vậy. Nhưng cả đời họ không thể mãi ăn rau, ăn thịt nơi gia đình. Họ ăn rau sạch của mình nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác. Cuối cùng, người dân ta tự đầu độc lẫn nhau. Vậy có ai liệu rằng sức khỏe người tiêu dùng sẽ đi về đâu (ai cũng chết cả).
Khi thực phẩm bẩn nó đánh vào sức khỏe, vào kinh tế gia đình, vào tương lai của đất nước thì vấn đề đạo đức về ăn uống, sự an toàn về thực phẩm phải đẩy lên rất cao trong ý thức của người dân. Chứ nếu toàn dân ta không ý thức điều này thì cả dân tộc bị nhiễm độc chết hết. Chúng ta có yên tâm chăng khi hằng ngày đều phải nghe những thông tin đáng lo ngại từ các loại thực phẩm nhiễm chất độc hại. Nếu một lúc nào đó chúng ta mất cảnh giác thì sẽ dẫn tới nguy cơ gây ra tổn thất rất lớn cho bản thân mình và cho cả dân tộc.
Dịp này, Thượng toạ khuyến cáo: Chúng ta đang bước vào một cuộc chiến mà vũ khí là trí tuệ, là sự lựa chọn khôn ngoan, là ý thức. Và mỗi người chúng ta là một chiến sĩ. Để có thể lựa chọn thực phẩm an toàn thì nhà trường nên đưa vấn đề dinh dưỡng an toàn vào dạy cho học sinh từ bé. Học sinh được giao nhiệm vụ về nhà phải phổ biến kiến thức lại cho gia đình, xóm giềng. Bỗng nhiên toàn dân ta được nghe, nhận được thông tin, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Từ đó, ta có một sức mạnh mới trong việc chiến đấu chống lại thực phẩm bẩn.
Nên biết, thực phẩm bẩn đã tràn vào Việt Nam 50, 60 năm qua và rộ nhất là trong 10 năm trở lại đây. Nhưng cho đến hôm nay Luật pháp vẫn chưa có quy định khung hình phạt rõ ràng nào. Phải chăng, ta đi rất muộn so với thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, thực phẩm ô nhiễm chỉ là là giọt nước cuối cùng làm tràn ly để đưa ta đến cái chết. Cũng không quá bất ngờ khi chúng ta biết cái bẩn đã đến trước đó từ nhiều nguồn khác. Đó là không khí, nguồn nước, đất đai quanh ta đều bị nhiễm bẩn. Những năm gần đây, đại dương đang phải gồng mình nuốt chửng hàng triệu tấn rác thải do con người xả ra. Có những dòng sông nước đen quánh, đặc sệt, mùi hôi thối bốc ra sặc sụa. Rồi nguồn đất đai để trồng cây không ngờ cũng có nhiều chất độc hại lẫn trong đó… Những yếu tố này hàng ngày, hàng giờ phủ trùm lấy tất cả chúng ta, không riêng gì thực phẩm bẩn.
Để đấu tranh giành lại sự trong lành cho bà mẹ trái đất thì không chỉ chừng này người dân Thanh Hóa mà ta đòi hỏi cả nhân loại. Theo Thượng toạ, để giáo dục cho cả nhân loại ý thức điều này là một việc làm dường như bất khả thi, nhưng chúng ta quyết tâm phải làm được trên nền tảng của sự chuyển hóa.
Trên đây là đôi điều tâm huyết mà Thượng toạ đã chia sẻ. Người cho rằng: Chúng ta cần đại dương sạch, nguồn nước sạch, không khí sạch, đất sạch… nhưng tất cả những điều đó phải bắt đầu từ một cái sạch trong tâm hồn mình. Tâm ta phải sạch trước, phải được thanh lọc, thanh tịnh trước để không còn độc tố của tham, của sân, của si, của ganh đua, mưu hại, hận thù. Khi có được nội tâm trong lành thánh thiện, con người mới sống để yêu thương nhau, mới nắm tay nhau dựng xây sự trong lành, tươi đẹp cho xứ sở của mình và cho cả thế giới.
Sau cùng, ĐĐ Thích Tâm Đức đề nghị Thượng toạ Giảng sư nêu nhân quả của những người gây ra những thực phẩm bẩn đó.
Theo cái nhìn của Thượng toạ, việc định lượng tội phước con người rất phức tạp. Trong cuộc sống này có nhiều loại tội mà ta không hiểu rõ. Vấn đề thực phẩm bẩn cũng vậy, có khi ta thêm vài gia vị vào cho món ăn đậm đà hơn, không ngờ đã đầu độc người khác, rồi tạo thành cái tội cho chính mình. Đơn cử, nước ngọt có gas cả thế giới này yêu thích và có người nghiện, nhưng đâu ngờ nó khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường cao hơn bình thường. Cho nên, những người đưa chất cấm vào thức ăn phải chịu quả báo đầu tiên là họ phát bệnh một cách kì lạ không giải thích được. Thứ hai là nghèo khổ, mất hết cơ nghiệp, sự sản, do đã làm kẻ khác không lao động được và tốn kém khi bệnh hoạn. Thứ ba, vì đã gây cho nhiều người khác sự đau khổ, suy sụp bởi những cơn bệnh, nên hậu quả trở lại là tâm lý họ cũng tan vỡ, tức mắc bệnh trầm cảm. Họ hay buồn vô cớ và luôn có ý muốn tự tử (một trong những loại bệnh tâm thần).
Tác hại của thực phẩm bẩn là tàn phá sức khỏe, gây bệnh tật, phá luôn kinh tế, tạo nên nỗi buồn tinh thần… Và chuỗi hậu quả này sẽ trở lại thành quả báo cho người tạo ra những loại thực phẩm đó. Đến đây, thực phẩm bẩn – thực phẩm sạch không còn là cuộc chiến lợi nhuận của đạo đức nữa mà có nhân quả nghiệp báo nằm trong từng hành vi. Cụ thể nhất là chất cấm trong thực phẩm. Nếu nghĩ đến quả báo những kiếp sau của mình thì nhớ đừng đầu độc nhau, mà hãy giúp cho nhau được khỏe mạnh an vui. Người khỏe mạnh an vui thì ta được giàu có.
Tóm lại, sức khoẻ của chúng ta ngày càng bị đe doạ bởi nguồn thực phẩm “bẩn”. Vì vậy, đây là đề tài rất được mọi quan tâm học hỏi. Tuy nhiên, để đẩy lùi được vấn nạn thực phẩm nhiễm độc không phải là ngày một ngày hai, mà là một quá trình lâu dài và liên tục. Cho nên chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về một đạo đức mới này. Qua đó, chúng ta kiên quyết không nấu ăn cho ngon mà nấu ăn cho khỏe. Nên chọn thực phẩm cung cấp cho người thân mình một sức khỏe tốt. Thiết nghĩ, sau bài học này chúng ta hãy cố gắng thay đổi quan điểm về vấn đề nấu ăn, về việc cung cấp thực phẩm, nhằm góp phần vào cuộc chiến của toàn xã hội chống lại thực phẩm bẩn. Thì đó là đạo đức nâng lên tầm cao không khác gì tình yêu nước ta phải có để dựng xây và bảo vệ quê hương./.